Chào mừng quý khách đã đến với Trang Thông tin điện tử Cục Thống kê TP.Cần Thơ - Địa chỉ: 8A Nguyễn Văn Cừ, Phường An Bình, Quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ
Trang chủ
           Giới thiệuv
Tin tức sự kiệnv
Lĩnh vực chuyên mônv
Ấn phẩm thống kê
Văn bản pháp lý
Văn bản của thành phố
Văn bản của Cục
Văn bản của Ngành
Văn bản của Nhà nước
Lịch sử phát triển

 

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN NGÀNH THỐNG KÊ CẦN THƠ

 

Tháng 5/1975 Trung ương Cục tăng cường đến Ban Kinh tế T3 đoàn cán bộ Thống kê chi viện từ miền Bắc do ông Nguyễn Kim Cúc đang là Phó Chi cục trưởng Chi cục Thống kê tỉnh Nghệ Tĩnh được Tổng cục Thống kê đề bạt làm Chi cục trưởng, ông Phan Thanh Hải, Chuyên viên Vụ Thống kê Xây dựng cơ bản Tổng cục Thống kê được Tổng cục Thống kê đề bạt Phó Chi cục trưởng và đi cùng gồm: ông Bùi Đình Riệu; ông Bùi Huy Dượng; ông Lê Kháng và ông Nguyễn Duy Nhẫn.

Các cán bộ chi viện vào Cần Thơ làm nhiệm vụ điều tra nắm tình hình cơ bản các tỉnh thuộc T3 và mở 02 lớp đào tạo đội ngũ cán bộ Thống kê, Kế hoạch. Tại Cần Thơ tổ chức dạy lớp sơ cấp Thống kê và Trà Vinh dạy lớp sơ cấp Kế hoạch với hơn 150 người được lựa chọn đào tạo cho các Sở, Ty, Ban, ngành của khu Tây Nam Bộ.

Thực hiện Nghị quyết số 245/TW về việc giải thể khu Tây Nam Bộ, Chính phủ công bố Nghị định số 03/NĐ-76 ngày 24/02/1976 sáp nhập tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ, thành lập tỉnh Hậu Giang. Ủy ban Kinh tế Kế hoạch tỉnh Hậu Giang được thành lập vào đầu năm 1976 gồm: ông Nguyễn Hữu Thành, Chủ nhiệm UBKT-KH tỉnh Hậu Giang; ông Trần Trung Võ, Phó Chủ nhiệm UBKT- KH, phụ trách ngành Kế hoạch và ông Nguyễn Kim Cúc, Phó Chủ nhiệm UBKT- KH, phụ trách ngành Thống kê.

Từ năm 1976 bộ máy Thống kê đã hình thành dần, được Tổng cục Thống kê điều động, tăng cường thêm cán bộ miền Bắc về công tác tại Thống kê Hậu Giang như: bà Vũ Thị Bích Hợp, bà Nguyễn Thị Bích Liên, ông Dương Quý, ông Huỳnh Chóng, ông Nguyễn Khắc Phú, ông Nguyễn Anh Tuất, ông Trần Trọng Sỹ, ông Đỗ Đức Phức, ông Đinh Văn Thắng, ông Thái Văn Luân và ông Nguyễn Đình Hảo.

1. Thời kỳ từ 1976 - 1986

Tháng 9/1976, UBND tỉnh Hậu Giang, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Tổng cục Thống kê thống nhất tách bộ phận Thống kê ra khỏi Ủy ban Kinh tế - Kế hoạch thành lập Chi cục Thống kê tỉnh Hậu Giang.

Ngày 27/9/1976, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang ra Quyết định số 354/QĐ.UBT về việc thành lập Chi cục Thống kê Hậu Giang và bổ nhiệm Ban Lãnh đạo Chi cục Thống kê Hậu Giang gồm các ông:

1. Ông Đỗ Hồng Tiên: Chi cục trưởng;

2. Ông Nguyễn Kim Cúc: Phó Chi cục trưởng;

3. Ông Phan Thanh Hải: Phó Chi cục trưởng.

Cùng với số cán bộ tại cơ quan Chi cục Thống kê tỉnh Hậu Giang mới thành lập chỉ có 26 người, gồm các phòng nghiệp vụ: Phòng Tổ chức cán bộ; Phòng Tổng hợp; Phòng Nông Lâm nghiệp; Phòng Công Thương nghiệp; Phòng Hành chính - Quản trị.

Đối với cấp huyện, thị xã, thành phố: ngày 29/11/1976, UBND tỉnh Hậu Giang có Quyết định số 460/QĐ.UBT.76 về việc thành lập 14 Phòng Thống kê các huyện, thị xã giai đoạn đầu với 58 biên chế đặt dưới sự chỉ đạo toàn diện của UBND huyện, thị xã và thành phố chịu sự chỉ đạo về công tác chuyên môn nghiệp vụ của Chi cục Thống kê tỉnh Hậu Giang.

Thời gian này ngành thống kê hoạt động theo Nghị định số 72/CP ngày 05/4/1974 của Hội đồng Chính phủ về việc ban hành Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Tổng cục Thống kê và Quyết định số 84/TTg ngày 18/4/1974 của Thủ tướng Chính phủ quy định Tổng cục Thống kê quản lý tập trung thống nhất hệ thống thống kê theo cấp hành chính (ngành dọc) từ Trung ương đến cấp huyện về các mặt: Tổ chức, bộ máy, biên chế, quỹ lương và kinh phí hoạt động. Do vậy các Phòng Thống kê huyện, thị xã thuộc sự quản lý của Chi cục Thống kê tỉnh Hậu Giang.

Từ năm 1977, Ban Lãnh đạo Chi cục Thống kê Hậu Giang tập trung vào kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan Chi cục Thống kê và các Phòng Thống kê huyện, thị xã, thành phố được hoàn chỉnh dần. Về tổ chức bộ máy tại cơ quan văn phòng Thống kê tỉnh Hậu Giang có 07 phòng và 01 trường Sơ cấp thống kê gồm: Tổ chức cán bộ, Tổng hợp, Thương nghiệp, Công nghiệp, Nông lâm nghiệp, Dân số lao động và Hành chính quản trị.

Về tổ chức của Phòng Thống kê huyện, thị xã, thành phố có 15 phòng gồm: Thành phố Cần Thơ, Thị xã Sóc Trăng, các huyện: Thốt Nốt, Ô Môn, Châu Thành,  Phụng Hiệp, Vị Thanh, Long Mỹ, Long Phú, Mỹ Tú, Kế Sách, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Vĩnh Châu và Côn Đảo.

Cuối năm 1979 Phòng Thống kê Côn Đảo được bàn giao lại Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Năm 1984 đổi tên Chi cục Thống kê tỉnh Hậu Giang thành Cục Thống kê Hậu Giang, với 07 Phòng gồm: Phòng Tổng hợp, Phòng Nông nghiệp, Phòng Công nghiệp, Phòng Xây dựng cơ bản Giao thông vận tải, Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Hành chính quản trị, Phòng Thương nghiệp vật tư và Trường Sơ cấp Thống kê. 

Thời gian đầu mới thành lập, trong điều kiện làm việc vừa thiếu cán bộ nghiệp vụ Thống kê, vừa thiếu phương tiện làm việc, nhưng nhiệm vụ đặt ra cho ngành thống kê trong thời kỳ này là: Xây dựng các chế độ hạch toán thống kê, tham mưu với địa phương ban hành chế độ ghi chép ban đầu, hướng dẫn hạch toán, thống kê, phương pháp lập biểu mẫu thống kê, xác định phương pháp tính toán và tổ chức thu thập, tổng hợp, phân tích; Kịp thời báo cáo với các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước những thông tin bằng số liệu có hệ thống, chính xác và có cơ sở khoa học về toàn bộ nền Kinh tế - Xã hội để làm căn cứ xây dựng và thực hiện kế hoạch thường niên hay giai đoạn.

Để thực hiện được nhiệm vụ, một mặt phải nhanh chóng ổn định cơ sở vật chất làm việc, mua sắm trang thiết bị, xây dựng trường lớp, đào tạo cấp tốc nhân viên thống kê để hình thành mạng lưới thống kê tại cơ quan Chi Cục và ở cấp huyện, thị xã, thành phố. Bao gồm các công việc sau: Tổ chức các lớp tập huấn chế độ ghi chép ban đầu cho các đơn vị cơ sở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; điều tra cơ bản để nắm tình hình thực tế của địa phương, tham gia các cuộc điều tra do Tổng cục Thống kê chỉ đạo; phát triển công tác thống kê cân đối các ngành kinh tế quốc dân; đẩy mạnh công tác phân tích thống kê; xuất bản các ấn phẩm thống kê như Niên giám, tập số liệu các chỉ tiêu chủ yếu, và các ấn phẩm khác…

Với những đóng góp xây dựng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 1985, Cục Thống kê Hậu Giang được Chủ tịch Nước tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng Ba”, bằng khen Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, bằng khen Tổng cục Thống kê, bằng khen Ủy Ban nhân dân tỉnh Hậu Giang.

Nhìn chung, trong 10 năm đầu thành lập và xây dựng phát triển, Chi Cục Thống kê Hậu Giang, đã từng bước hoàn chỉnh dần bộ máy tổ chức ngành, đào tạo và hướng dẫn nghiệp vụ thống kê cho đội ngũ cán bộ nhân viên từ tỉnh đến huyện, xã. Điều tra các sản phẩm và giá trị thống kê ngành nông nghiệp và công nghiệp, thương mại và văn hoá xã hội, từng bước xây dựng cơ sở thông tin thống kê ở tất cả các chuyên ngành. Phát hành sản phẩm thống kê hàng năm ngoài thông tin nhanh hàng tháng gửi về Tổng cục Thống kê, còn phát hành Niên giám thống kê hàng năm. Những đóng góp đầy ý nghĩa của ngành thống kê Hậu Giang vào hành trình xây dựng phát triển ngành Thống kê từng bước hoàn chỉnh các chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội của địa phương. Để có được những thành tựu trên ngoài sự đóng góp của toàn thể cán bộ công chức ngành thống kê còn có sự đóng góp của Lãnh đạo Tổng cục Thống kê trong việc hỗ trợ và chi viện người và nghiệp vụ cho Hậu Giang, sự giúp đỡ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành trong tỉnh.

2. Thời kỳ từ 1986 - 1990

Theo Thông báo số 46/TB/TW ngày 12/12/1987 của Ban Bí thư TW và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng, ngành Thống kê là cơ quan hành chính sự nghiệp nên phải thực hiện theo Thông báo số 46/TB/TW, về việc tinh giảm đầu mối tổ chức tại địa phương.

Để thực hiện Thông báo trên, UBND tỉnh Hậu Giang có Quyết định số 137/QĐ.UBT.88 ngày 24/05/1988 sáp nhập Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang vào Ủy ban Kế hoạch tỉnh Hậu Giang, theo Quyết định này biên chế, qũy lương, kinh phí, nghiệp vụ của ngành Thống kê chuyển toàn bộ về địa phương quản lý. Theo Quyết định: Ông Phan Thanh Hải phó chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch, phụ trách Thống kê.

Sau 6 tháng sáp nhập trước tình hình, một số cán bộ cốt cán không an tâm công tác, xin chuyển công tác, xin nghỉ việc do không thống nhất về chức năng nghiệp vụ, một số điều động đi khỏi ngành… Ngành thống kê bị hụt hẫng về thông tin thống kê kinh tế xã hội của tỉnh một thời gian dài gây khó khăn cho việc chỉ đạo điều hành, xây dựng kế hoạch kinh tế xã hội của địa phương.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Hậu Giang có Quyết định số 13/QĐ.UBT.89 ngày 07/01/1989 tách Thống kê ra khỏi Ủy ban Kế hoạch và thành lập một đơn vị trực thuộc Ủy ban Kế hoạch, lấy tên là “Chi cục Thống kê”, chịu sự lãnh đạo của Ban chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch tỉnh (Thống kê cấp huyện, thị xã, thành phố không tách) do ông Phan Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch làm Chi cục trưởng, với tổng số biên chế là 42 người, tổ chức 04 Phòng nghiệp vụ: Phòng Tổng hợp - Cân đối - Lưu thông phân phối; Phòng Nông - Lâm nghiệp; phòng Công nghiệp - Vật tư - Xây dựng cơ bản - Giao thông vận tải và Phòng Hành chính - Quản trị.

Ngày 30/3/1990, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang có Quyết định số 119/QĐ.UBT.90 tách Chi cục Thống kê khỏi Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước tỉnh Hậu Giang, thành lập Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang. Bổ nhiệm ông Phan Thanh Hải làm Cục trưởng Cục Thống kê Hậu Giang. Theo Quyết định này Cục Thống kê Hậu Giang trực thuộc Uỷ Ban nhân dân tỉnh, với biên chế 30 người và cơ cấu tổ chức 05 phòng nghiệp vụ gồm: Phòng Tổng hợp - Lao động - Văn xã, Phòng Thương nghiệp - Vật Tư,  Phòng Nông - Lâm nghiệp, Phòng Công nghiệp và Phòng Tổ chức Hành chính - Quản trị.

Như vậy, sau 02 năm 03 tháng nhập, tách. Ngành Thống kê Hậu giang đã hoàn toàn độc lập và bắt đầu tổ chức ổn định bộ máy. 

3. Thời kỳ 1991-2003

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII tháng 12/1991 tách tỉnh Hậu Giang thành lập tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Cần Thơ.

Ủy ban nhân dân tỉnh Cần Thơ có Quyết định số 92/QĐ.UBT.92 ngày 09/5/1992, theo đó, Cục Thống kê tỉnh Cần Thơ được bố trí 05 phòng nghiệp vụ gồm: Phòng tổng hợp; Phòng Thương nghiệp - Văn xã; Phòng Nông, lâm, Thủy lợi; Phòng Công nghiệp - xây dựng,  Phòng Tổ chức - hành chính và 07 Phòng thống kê huyện, thành phố gồm: thành phố Cần Thơ, Thốt nốt, Ô Môn, Châu Thành, Phụng Hiệp, Vị thanh và Long Mỹ. Cục trưởng: Ông Phan Thanh Hải, Phó Cục trưởng: Ông Tạ Nguyên Hồng.

Đến năm 1994 mô hình tổ chức Thống kê theo Nghị định số 23/NQ.CP ngày 23/3/1994 được tổ chức lại ngành dọc từ Trung ương đến cấp huyện.

Năm 1998 thực hiện Quyết định số 235/1998/QĐ.TCTK tổ chức văn phòng Cục thực hiện 06 phòng: gồm 05 phòng nghiệp vụ theo Quyết định số 92/QĐ.UBT.92 và thêm phòng Dân số - Văn xã. Cấp huyện, thành phố có 07 phòng thống kê.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 1999 huyện Vị Thanh nâng lên thành thị xã Vị Thanh và lập thêm huyện Vị Thủy. Năm 2001 huyện Châu Thành tách thêm huyện Châu Thành A.

Đến cuối năm 2003 bộ máy thống kê tỉnh Cần Thơ có 06 phòng thuộc cơ quan Cục: Phòng Thống kê tổng hợp, Phòng Thống kê Nông nghiệp, Phòng Thống kê Công nghiệp, Phòng Thống kê Thương mại, Phòng Thống kê Dân số - Văn xã, Phòng Tổ chức - Hành chính và 09 phòng thống kê huyện, thị xã, thành phố: Thành phố Cần Thơ, Thị xã Vị Thanh, huyện Thốt Nốt, huyện Ô Môn, huyện Châu thành A, huyện Châu Thành, huyện Phụng Hiệp, huyện Vị Thủy và huyện Long Mỹ.

Nhiệm vụ thời kỳ này, công tác báo cáo thống kê nhanh - định kỳ và hệ thống hoá số liệu được thực hiện theo quy định Tổng cục Thống kê. Việc thu thập và xử lý thông tin thống kê đã thay đổi dần cho phù hợp với tình hình đổi mới của đất nước, có thể đảm bảo được so sánh khu vực và quốc tế. Từ một hệ thống chỉ tiêu phục vụ cơ chế quản lý kế hoạch hóa tập trung bao cấp với nhiều chỉ tiêu hiện vật, nặng về mô tả, chủ yếu phục vụ cho tầm quản lý vi mô, thì nay đã được bổ sung nhiều chỉ tiêu giá trị, phản ánh xác thực hơn những biến động của đời sống xã hội. Công tác điều tra thống kê, ngoài các cuộc điều tra thường xuyên, ngành thống kê tổ chức Tổng điều tra Dân số và Nhà ở vào thời điểm 01/4/1999. Tổng điều tra Nông thôn, Nông nghiệp và Thủy sản thời điểm 01/4/1994 và 01/4/2001. Tổng điều tra các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp vào các thời điểm 01/7/995 và 01/7/2002.

4. Thời kỳ 2004 đến nay

Ngày 02/01/2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2004/NĐ-CP về việc thành lập các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, các huyện Phong Điền, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và Thốt Nốt.

Theo Quyết định số 753/QĐ-TCTK ngày 31/12/2003 đổi tên Cục Thống kê tỉnh Cần Thơ thành Cục Thống kê thành phố Cần Thơ và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Cục Thống kê Cần Thơ. Với 06 phòng thuộc cơ quan Cục gồm: Phòng Tổng hợp, Phòng Thống kê Nông nghiệp, Phòng Thống kê Công nghiệp, Phòng Thống kê Thương mại, Phòng Thống kê Dân số - Văn xã và Phòng Tổ chức - Hành chính; 08 phòng thống kê quận, huyện: quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy, quận Cái Răng, quận Ô Môn, huyện Vĩnh Thạnh, huyện Thốt Nốt, huyện Phong Điền và huyện Cờ Đỏ.  

Năm 2008, thực hiện Nghị định số 12/2008/NĐ-CP ngày 23/12/2008 của Chính phủ “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã, thành lập xã thuộc huyện Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh, huyện Cờ Đỏ; thành lập quận Thốt Nốt và các phường trực thuộc; điều chỉnh địa giới hành chính huyện Cờ Đỏ để thành lập huyện Thới Lai thuộc thành phố Cần Thơ. Tổng cục Thống kê có Quyết định số 99/QĐ-TCTK ngày 22/ 01/2009 về việc đổi tên Phòng Thống kê huyện Thốt Nốt thành Phòng Thống kê quận Thốt Nốt thuộc Cục Thống kê thành phố Cần Thơ và Quyết định số 100/QĐ-TCTK ngày 22/01/2009 về việc thành lập Phòng Thống kê huyện Thới Lai thuộc Cục Thống kê thành phố Cần Thơ.

Ngày 29/9/2010, Tổng cục Thống kê có Quyết định số 650/QĐ-TCTK về việc thành lập 09 Chi cục Thống kê quận, huyện trên cơ sở các phòng thống kê trực thuộc Cục Thống kê thành phố Cần Thơ gồm: quận Ninh Kiều, quận Ô Môn, quận Bình Thủy, quận Cái Răng, quận Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh, huyện Cờ Đỏ, huyện Phong Điền và huyện Thới lai.

Căn cứ Quyết định số 56/QĐ-TCTK ngày 14/01/2011 của Tổng cục Thống kê quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu Tổ chức Cục Thống kê thành phố Cần Thơ; Cục Thống kê có 06 phòng thuộc cơ quan Cục và Thanh tra Cục Thống kê, 06 phòng gồm: Phòng Thống kê Tổng hợp, Phòng Thống kê Nông nghiệp, Phòng Thống kê Công nghiệp - Xây dựng, Phòng Thống kê Thương mại, Phòng Thống kê Dân số - Văn xã và Phòng Tổ chức - Hành chính;  09 Chi cục Thống kê quận, huyện tiếp tục được quan tâm kiện toàn. Tổng cục Thống kê có Quyết định số 20/QĐ-TCTK ngày 14/01/2011 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của các Chi cục đồng thời tổ chức kiện toàn phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị gồm 05 Chi cục quận: Ninh Kiều, Ô Môn, Bình Thủy, Cái Răng, Thốt Nốt và 04 huyện gồm: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Phong Điền, Thới Lai.  

Căn cứ Quyết định số 172/QĐ-TCTK ngày 31/3/2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thống kê thành phố Cần thơ, với cơ cấu tổ chức gồm 07 phòng (Thanh tra Cục Thống kê đổi tên thành Phòng Thanh tra Thống kê) và 09 Chi cục Thống kê.

Căn cứ Quyết định số 1006/QĐ-TCTK ngày 20/5/2020 của Tổng cục Thống kê quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cục Thống kê có cơ cấu tổ chức 05 Phòng thuộc cơ quan Cục kể từ ngày 01/12/2020 ( Phòng Thống kê Tổng hợp, Phòng Thống kê Kinh tế, Phòng Thống kê Xã Hội, Phòng Thu thập Thông tin thống kê, Phòng Tổ chức - Hành chính) 05 Chi cục Thống kê hoạt động kể từ ngày 01/01/2021 (theo Quyết định số 1007/QĐ-TCTK ngày 20/5/2020 của Tổng cục Thống kê quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Chi cục Thống kê quận, huyện, thị xã, thành phố và Chi cục Thống kê khu vực thuộc Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương. Cục Thống kê thành phố Cần Thơ có Chi cục Thống kê quận Ninh Kiều và 04 Chi cục Thống kê khu vực được thành lập gồm Chi cục Thống kê khu vực Cái Răng - Phong Điền; Chi cục Thống kê khu vực Bình Thủy - Ô Môn, Chi cục Thống kê khu vực Thốt Nốt - Vĩnh Thạnh và Chi cục Thống kê khu vực Cờ Đỏ - Thới Lai (theo Quyết định số 1629/QĐ-TCTK ngày 20/11/2020 của Tổng cục Thống kê về việc thành lập Chi cục Thống kê khu vực thuộc Cục Thống kê thành phố Cần Thơ).

Nhiệm vụ thời kỳ này, công tác điều tra thống kê, ngoài các cuộc điều tra thường xuyên, ngành thống kê tổ chức Tổng điều tra Dân số và Nhà ở vào các thời điểm 01/4/2009 và 01/4/2019. Tổng điều tra Nông thôn, Nông nghiệp và Thủy sản vào các thời điểm 01/4/2006; 01/4/2011 và 01/4/2016. Tổng điều tra các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp vào các thời điểm 01/7/2007; 01/7/2012; 01/7/2017 và 01/7/2021.

Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển ngành Thống kê Cần Thơ với những khó khăn từ ngày đầu thành lập, sau bao thăng trầm, biến động về tổ chức bộ máy do phân cấp quản lý, nhưng toàn thể công chức và người lao động trong ngành đã có nhiều nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách phấn đấu vươn lên, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhận các thành tích khen thưởng qua các năm như:

- Bằng khen Bộ trưởng: 2006, 2007, 2008, 2012, 2014, 2016, 2020, 2022;

- Bằng khen Thủ tướng: 2000, 2012;

- Cờ thi đua UBND tỉnh (TP): 1985, 2011, 2013;

- Cờ thi đua Tổng cục Thống kê: 1999, 2000, 2001, 2003, 2004;

- Cờ thi đua Bộ: 2010, 2012, 2017, 2018;

- Cờ thi đua Chính phủ: 2012;

- Huân chương Lao động hạng Ba: 1985, 2006;

- Huân chương Lao động hạng Nhì: 2011;

- Huân chương Lao động hạng Nhất: 2019.

 

DANH SÁCH THỦ TRƯỞNG NGÀNH THỐNG KÊ CẦN THƠ
QUA CÁC THỜI KỲ TỪ NGÀY ĐẦU THÀNH LẬP ĐẾN NAY