Kinh tế thế giới chịu sự tác động tiêu cực của nhiều yếu tố như: Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gay gắt; xung đột quân sự giữa Nga - Ucraina và tại dải Gaza kéo dài, bất ổn leo thang trên Biển Đỏ. Nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, tổng cầu yếu khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm. Lạm phát có xu hướng hạ nhiệt, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn có thể tạo nên cú sốc cho lạm phát.
Trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Nhiều giải pháp được triển khai như: Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8%; giảm thuế môi trường với nhiên liệu bay; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất, hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản; đảm bảo cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.
Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, ngay từ những tháng đầu năm, Lãnh đạo thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành và địa phương triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; mở rộng cơ sở hạ tầng, phát triển các khu công nghiệp, thu hút đầu tư; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân. Nhờ đó, kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ 6 tháng đầu năm, các ngành, lĩnh vực đã có chuyển biến tích cực hơn và tạo đà tăng trưởng mới. Cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng duy trì mức tăng khá. Kinh tế 6 tháng đạt mức tăng trưởng 5,73% so với cùng kỳ năm trước, đây không phải là mức tăng trưởng cao nhưng là kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Kết quả 6 tháng năm 2024 đạt được như sau:
I. TÌNH HÌNH KINH TẾ
1. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024, ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 4,68%, quý II tăng 6,74%), đây không phải là mức tăng trưởng cao nhưng là kết quả tích cực, đáng ghi nhận.
Trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,21%, đóng góp 0,20 điểm %; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,61%, đóng góp 1,81 điểm %; khu vực dịch vụ tăng 7,05%, đóng góp 3,64 điểm %; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,06%, đóng góp 0,08 điểm %.
Quy mô kinh tế thành phố Cần Thơ 6 tháng đầu năm theo giá hiện hành ước đạt 65.392 tỷ đồng, tăng 10,18% so với cùng kỳ năm 2023. Về cơ cấu kinh tế: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 8,63%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 31,46%; khu vực dịch vụ chiếm 53,35%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,56% (cơ cấu tương ứng 6 tháng năm 2023: 8,55%; 32,21%; 52,49% và 6,75%).
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 phát triển ổn định. Sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. Sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước; chăn nuôi không xảy ra dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Sản lượng thủy sản đạt 119.091 tấn, tăng 7,34% so cùng kỳ.
a) Trồng trọt: Diện tích lúa gieo trồng được 155.773 ha, giảm 8,29% so cùng kỳ tương đương 14.075 ha. Trong đó, diện tích lúa đông xuân đã thu hoạch 72.813 ha, giảm 2,95% so với cùng kỳ, ước năng suất đạt 74,97 tạ/ha với sản lượng 545.891 tấn, giảm 2,48% so với cùng kỳ. Lúa hè thu gieo trồng được 71.280 ha, giảm 2,30% so với cùng kỳ, đã thu hoạch 34.072 ha, ước năng suất đạt 58,38 tạ/ha. Lúa thu đông đang trong giai đoạn gieo trồng được 11.680 ha, giảm 46,58% so với cùng kỳ. Diện tích lúa giảm do chuyển đổi mục đích sang trồng cây lâu năm, cây hàng năm khác, xây dựng nhà ở và công trình công cộng.
Diện tích gieo trồng rau, màu, đậu các loại được 9.455 ha, giảm 9,60% so với cùng kỳ. Trong đó, rau đậu các loại gieo trồng được 7.431 ha, giảm 8,74% hay 712 ha so với cùng kỳ; cây bắp gieo trồng được 611 ha, tăng 0,16% so với cùng kỳ.
Diện tích cây lâu năm ước đạt 27.026 ha, tăng 4,26% hay 1.104 ha so cùng kỳ 2023, sản lượng ước đạt 113.395 tấn, tăng 6,49% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích cây ăn quả 25.660 ha, chiếm tỷ trọng 94,95% trong tổng diện tích cây lâu năm, sản lượng ước đạt 107.784 tấn, tăng 6,81%. Do những diện tích trồng mới, chuyển đổi từ đất trồng màu sang cây ăn quả từ các năm trước và bà con phun thuốc kích thích cho trái mùa nghịch nhiều vụ trong năm nên sản lượng tăng mạnh hơn cùng kỳ năm 2023.
b) Chăn nuôi: Tại thời điểm tháng 6/2024, tổng đàn heo 133.425 con, tăng 3,97% so cùng kỳ; đàn bò 3.879 con, giảm 11,26%; đàn gia cầm 2.617 nghìn con, tăng 13,56% so cùng kỳ.
6 tháng đầu năm, có 127.227 con lợn xuất chuồng, ước sản lượng đạt 12.687 tấn, tăng 2,35% so với cùng kỳ; sản lượng thịt gia cầm đạt 4.979 tấn, tăng 10,18%; sản lượng trứng gia cầm 69.410 nghìn quả, tăng 20,84% so với cùng kỳ.
c) Thủy sản: Diện tích nuôi trồng thủy sản (không bao gồm diện tích sản xuất giống) ước đạt 3.078 ha, tăng 9,85% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 119.091 tấn, tăng 7,34% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 116.830 tấn, tăng 7,15% (tập trung chủ yếu ở cá tra) và sản lượng khai thác thủy sản đạt 2.260 tấn, tăng 17,69% so với cùng kỳ 2023.
3. Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024, tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng ước tính tăng 6,08% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,1%, có mức tăng cao hơn so với mức tăng chung
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 6 tháng năm 2024 ước tăng 6,08% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,79%; sản xuất và phân phối điện tăng 8,10%; cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải, nước thải tăng 2,04%.
Một số nhóm sản phẩm công nghiệp chủ yếu 6 tháng tăng so với cùng kỳ năm trước: Quần áo may sẵn tăng 97,39%; phân khoáng và phân hóa học NPK tăng 79,50%; đinh, đinh mủ, ghim dập tăng 26,21%; thức ăn gia súc tăng 23,38%; phi lê đông lạnh tăng 14,18%; điện thương phẩm tăng 11,62%; xay xát gạo tăng 4,54%; tôm đông lạnh tăng 1,81% ; … Bên cạnh đó, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Thức ăn thủy sản giảm 26,32%; sắt, thép giảm 14,57%; bia đóng lon giảm 7,84%; …
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2024 giảm 12,11% so với cùng kỳ.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 01/6/2024 tăng 6,66% so với cùng thời điểm năm trước.
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp 6 tháng tăng 5,89% so với cùng kỳ.
4. Hoạt động của doanh nghiệp
a) Tình hình đăng ký kinh doanh
Ước 6 tháng đầu năm 2024, Thành phố có 875 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, không thay đổi so với năm 2023; vốn đăng ký 6.150 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 7 tỷ đồng, tăng 6,06% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, có 300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 27,7% so với cùng kỳ, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 1.175 doanh nghiệp, tăng 5,86% so với cùng kỳ. Bình quân một tháng có khoảng 196 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh 700 doanh nghiệp, tăng 42,3% và giải thể 105 doanh nghiệp, tăng 38,2% so với cùng kỳ.
b) Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp: Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2024 cho thấy: Có 38% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý I/2024; 40% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 22% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý III/2024, có 40% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2024; 42% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 18% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
5. Hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tăng trưởng ổn định, doanh thu bán lẻ hàng hóa từ đầu năm đến nay đều tăng (chủ yếu tăng cao từ tháng 4 - 6/2024), hoạt động dịch vụ, du lịch và vận tải trong tháng đều tăng trên 2 con số so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024, ước tăng 11,26% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024, ước tính đạt 64.717,47 tỷ đồng, tăng 11,26% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 47.218,72 tỷ đồng, tăng 11,38% so với cùng kỳ; lưu trú, ăn uống ước đạt 8.201,93 tỷ đồng, tăng 11,20%; du lịch lữ hành ước đạt 296,78 tỷ đồng, tăng 53,53%; dịch vụ khác ước đạt 9.000,05 tỷ đồng, tăng 9,74% so cùng kỳ năm 2023.
Doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát 6 tháng đầu năm 2024, ước đạt 3.433,19 tỷ đồng, tăng 13,08% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 894,08 tỷ đồng, tăng 1,21%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 1.813,77 tỷ đồng, tăng 13%; dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 594,93 tỷ đồng, tăng 34,07%; bưu chính, chuyển phát ước đạt 130,40 tỷ đồng, tăng 25,39% so cùng kỳ năm trước.
Vận tải hành khách: Số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 11.414,58 nghìn hành khách, tăng 19,09% so với cùng kỳ; số lượt hành khách luân chuyển ước đạt 1.243.498,11 nghìn hành khách.km, tăng 22,77% so với cùng kỳ.
Vận tải hàng hoá: Khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 8.292,41 nghìn tấn, tăng 11,33% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 1.342.559,95 nghìn tấn.km, tăng 11,28% so với cùng kỳ.
6. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chấp hành tốt các quy định về tín dụng, lãi suất, tỷ giá, ngoại hối, bảo đảm hoạt động ngân hàng tiếp tục ổn định, an toàn; tiếp tục tăng cường các giải pháp huy động vốn và mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên và các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Đến cuối tháng 6/2024, vốn huy động giảm 2,34% và dư nợ cho vay tăng 3,55% so với đầu năm.
Đến cuối tháng 6/2024, vốn huy động ước đạt 115.000 tỷ đồng, giảm 2,34% so với đầu năm, trong đó vốn huy động trên 12 tháng là 12.600 tỷ đồng, chiếm 10,96%, giảm 2,16% so với đầu năm.
Tổng dư nợ cho vay, đến cuối tháng 6/2024 ước đạt 162.000 tỷ đồng, tăng 3,55% so với đầu năm. Nợ xấu là 4.400 tỷ đồng, chiếm 2,72% tổng dư nợ.
7. Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2024, ước đạt 13.181,24 tỷ đồng, tăng 7,77% so với cùng kỳ năm trước (trong đó vốn ngoài nhà nước tăng 20,65%); tiến độ giải ngân vốn đầu tư công mặc dù có cải thiện so với cùng kỳ nhưng còn chậm so với yêu cầu thực tiễn.
Vốn đầu tư phát triền 6 tháng đầu năm 2024, ước đạt 13.181,24 tỷ đồng, tăng 7,77% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn nhà nước đạt 3.811,61 tỷ đồng, giảm 7,35%; vốn ngoài nhà nước đạt 8.970,53 tỷ đồng, tăng 20,65%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 399,10 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý 6 tháng đầu năm 2024, đạt 3.299,31 tỷ đồng, tăng 7,04% so với cùng kỳ và đạt 37,46% kế hoạch năm. Trong đó, NSNN cấp Thành phố thực hiện 2.216,26 tỷ đồng, tăng 5,49% và đạt 37,68%; NSNN cấp huyện thực hiện 1.083,05 tỷ đồng, tăng 10,37% và đạt 37,02%.
Công tác giải ngân: Tính đến ngày 24/6/2024, tình hình giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã giải ngân được 2.780,80 tỷ đồng (bao gồm cả tạm ứng), đạt 31,6% so với KH năm. Trong đó, các nguồn vốn đầu tư công do thành phố quản lý giải ngân được 2.779,96 tỷ đồng, đạt 31,6% so với KH năm 2024, cụ thể: Cấp thành phố giải ngân được 2.030,85 tỷ đồng, đạt 34,5%; cấp quận, huyện giải ngân được 749,95 đạt 25,6%.
Thu hút đầu tư trong nước (ngoài khu công nghiệp): Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, thành phố có 3 dự án mới, vốn đầu tư đăng ký 727,14 tỷ đồng (02 dự án được Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, 01 dự án cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư). Điều chỉnh 03 dự án (01 dự án giảm quy mô và 02 dự án điều chỉnh tiến độ thực hiện). Lũy kế đến hiện nay có 93 dự án được Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đang triển khai thực hiện, tổng diện tích sử dụng đất khoảng 1.910,2 ha.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): 6 tháng đầu năm 2024, cấp mới 01 dự án, vốn đăng ký 0,15 triệu USD. Lũy kế trên địa bàn thành phố hiện có 81 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.274,97 triệu USD (Trong khu công nghiệp 29 dự án, tổng vốn đăng ký 611,98 triệu USD; ngoài Khu Công nghiệp 52 dự án, tổng vốn đăng ký 1.662,99 triệu USD).
8. Thu, chi ngân sách nhà nước lũy kế thực hiện đến ngày 20/6/2024, tăng 18,04% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương tăng 0,74% so với cùng kỳ, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi cho hoạt động của bộ máy Nhà nước và các khoản chi khác.
Tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế thực hiện đến ngày 20/6/2024 đạt 7.978,40 tỷ đồng, bằng 41,48% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 18,04% so với cùng kỳ. Trong đó: Thu nội địa đạt 5.400,14 tỷ đồng, bằng 44,53% so với dự toán HĐND thành phố giao, tăng 17,58% so với cùng kỳ; thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 143,35 tỷ đồng, bằng 45,08% so với dự toán HĐND thành phố giao, giảm 36,79% so với cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách địa phương lũy kế thực hiện đến ngày 20/6/2024 đạt 8.821,41 tỷ đồng, bằng 41,34% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 0,74% so với cùng kỳ. Trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 5.770,89 tỷ đồng, đạt 42,95% dự toán, giảm 0,12% so với cùng kỳ; chi thường xuyên 3.031,29 tỷ đồng, bằng 41,87% dự toán, tăng 8,81% so với cùng kỳ.
9. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), nhiều nhóm hàng hóa và giá cả thị trường có phần sôi động, giá cả có thể biến động theo do nhu cầu tăng. Thị trường hàng hóa rất phong phú, đa dạng với nhiều mức giá từ đó người tiêu dùng rất dễ dàng để chọn mua cả trên trực tuyến và trực tiếp tại trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích và tại các chợ truyền thống.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2024, tăng 3,63% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Có 9/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,06%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,56%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3,94%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,13%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 4,23%; giao thông tăng 2,89%; giáo dục tăng 6,39%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 6,44%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 10,36%; và có 2/11 nhóm hàng có chỉ số giá giảm, gồm: May mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,25% và bưu chính viễn thông giảm 1,65%.
Bình quân 6 tháng đầu năm chỉ số giá vàng tăng 25,35% và chỉ số giá Đô la Mỹ bình quân tăng 5,52% so với cùng kỳ.
II. TÌNH HÌNH XÃ HỘI
1. Tình hình lao động, việc làm, Thành phố đã chủ động khảo sát, dự báo thị trường lao động; đẩy mạnh việc kết nối hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bằng nhiều hình thức như tư vấn trực tiếp, tư vấn online; tuyên truyền, quảng bá giao dịch việc làm thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; tổ chức các ngày hội việc làm; tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các trường học, địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, thành phố giải quyết việc làm cho 34.178 lao động (cung ứng lao động đi làm việc nước ngoài là 447 người), đạt 67,54% kế hoạch, tăng 22,17% so với cùng kỳ năm 2023. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển mới và đào tạo nghề cho 23.282 người, đạt 51,74% kế hoạch, tăng 4,32% so với cùng kỳ năm 2023.
Lực lượng lao động (LLLĐ) của thành phố Cần Thơ 644.786 lao động. Trong đó, số lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm 622.878 lao động.
Tổng số lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp Cần Thơ đến tháng 6/2024 là 42.631 lao động, tăng 1.510 lao động so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, số lao động của các doanh nghiệp FDI là 20.398 lao động.
2. Đời sống dân cư được cải thiện và công tác an sinh xã hội được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện; chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua có tác động tích cực, góp phần nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn, đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Trong dịp Tết Nguyên đán, các cấp, các ngành tổ chức thăm, tặng quà Tết cho 63.472 lượt đối tượng với tổng kinh phí 68,88 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 8.708 người với số tiền 2,66 tỷ đồng, ngân sách Thành phố là 54.764 người, số tiền 66,22 tỷ đồng.
Tổng số tiền ngân sách và vận động xã hội hóa chăm lo cho các đối tượng trên địa bàn thành phố nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 trên 115,04 tỷ đồng với 141.842 lượt đối tượng được hỗ trợ (bao gồm hỗ trợ nhà ở, tiền mặt, gạo, nhu yếu phẩm, ...).
Bảo trợ xã hội: Trợ giúp xã hội thường xuyên ngoài cộng đồng cho 42.792 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng số tiền hàng tháng hơn 24 tỷ đồng; hỗ trợ cho người có công và thân nhân của người có công với cách mạng là 79,47 tỷ đồng; hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP là 148,16 tỷ đồng; hỗ trợ đột xuất (trợ cấp Tết Nguyên đán) cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ chính sách xã hội không thuộc Nghị định 20/2021/NĐ-CP trong 6 tháng đầu năm 2024 là 55,49 tỷ đồng (từ ngân sách của thành phố); cấp thẻ bảo hiểm y tế, sổ, thẻ khám chữa bệnh miễn phí (tính cho tất cả các đối tượng được phát miễn phí) trong 6 tháng đầu năm 2024 là 212.416 thẻ; hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng thiên tai do mưa lớn, giông lốc và sạt lở, sụt lún đất là 647 triệu đồng.
Thực hiện chính sách Người có công: Toàn thành phố hiện có 4.942 đối tượng người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên với tổng kinh phí hàng tháng gần 11 tỷ đồng; trợ cấp ưu đãi giáo dục cho 25 học sinh, sinh viên là con của người có công với cách mạng để theo học đến trình độ đại học, cấp 16 giấy chứng nhận gia đình Liệt sĩ, cấp 06 giấy chứng nhận thương binh, thẩm định đề nghị truy tặng 02 hồ sơ Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 08 hồ sơ cấp lại bằng tổ quốc ghi công.
Hoàn thành xây dựng và tổ chức Lễ bàn giao 30 căn nhà tình nghĩa cho Gia đình chính sách, người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở, mỗi căn trị giá là 70 triệu đồng, với tổng số tiền 2,1 tỷ đồng do Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Xổ số kiến thiết Cần Thơ tài trợ.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ xây dựng kế hoạch công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, phối hợp với các Sở, ban ngành, đoàn thể, UBND quận, huyện trong việc đảm bảo việc tổ chức Kỳ thi an toàn, hiệu quả và đúng quy định.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 được tổ chức vào ngày 05-06/6/2024 đã diễn ra an toàn, nghiêm túc và trung thực, với 3 môn thi: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ. Hơn 14.600 thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức từ ngày 26-29/6/2024, thành phố Cần Thơ có hơn 12.800 thí sinh đăng ký dự thi, với 25 điểm thi chính thức và 9 điểm thi dự phòng; tập huấn nghiệp vụ coi thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại các quận, huyện.
Tổng số trường đạt chuẩn quốc gia tính lũy kế đến ngày 31/5/2024 là 350/445 trường đạt tỷ lệ 78,7%, trong đó: MN 125/172 trường, tỷ lệ 72,7%; TH 148/166 trường, tỷ lệ 89,16%; THCS 55/69 trường, tỷ lệ 79,7%; THPT 22/38 trường, tỷ lệ 57,9%.
4. Ngành Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo công tác cấp cứu và khám chữa bệnh cho nhân dân; tiếp tục duy trì thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.
Lũy tích từ đầu năm đến nay ghi nhận 298 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 740 trường hợp và 01 trường hợp tử vong so cùng kỳ; tay chân miệng ghi nhận 495 trường hợp, không có tử vong và tăng 135 trường hợp so cùng kỳ; sởi và sốt phát ban nghi sởi ghi nhận 03 trường hợp mắc, không có tử vong; tính từ đầu năm đến ngày 14/6/2024 ghi nhận 6.019 trường hợp mắc tiêu chảy; công tác phòng, chống HIV/AIDS tính từ đầu năm đến thời điểm báo cáo, phát hiện 85 trường hợp, 5 trường hợp tử vong, điều trị ARV cho 207 trường hợp, đang điều trị Methadone cho 308 trường hợp (bao gồm điều trị cho người trong và ngoài tỉnh).
Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, Ngành Y tế đã cấp 70 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống (07 cơ sở sản xuất, 63 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống).
5. Triển khai và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tuyên truyền cổ động và tổ chức các hoạt động VHTTDL kỷ niệm ngày lễ, sự kiện của đất nước và thành phố; kỷ niệm 20 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương (01/01/2004 - 01/01/2024); lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ XI năm 2024 mang chủ đề “Đậm đà hương vị Phương Nam”.
Tuyên truyền cổ động và tổ chức các hoạt động VHTTDL kỷ niệm ngày lễ, sự kiện của đất nước và thành phố. Đặc biệt, tổ chức các hoạt động kỷ niệm 20 năm thành lập thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương (01/01/2004-01/01/2024), gắn với Chào năm mới, kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024) và “Mừng Đảng quang vinh - Mừng Xuân Giáp Thìn 2024”; Giỗ Tổ Hùng Vương; Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ XI năm 2024; kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Ngày Quốc tế Lao động (01/5) và 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024).
Thư viện bổ sung 4.438 bản sách, đạt 15% kế hoạch năm; phục vụ 3.510.279 lượt bạn đọc, đạt 118% kế hoạch năm; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tổ chức phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng thành phố, di tích lịch sử - văn hóa, Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ với 167.570 lượt khách, đạt 83,7% kế hoạch năm. Tổ chức sưu tầm và thực hiện hồ sơ khoa học của 202 hiện vật, đạt 101% kế hoạch.
Hoạt động nghệ thuật (liên hoan, hội thi, hội diễn): Cấp thành phố tổ chức 01 cuộc, đạt 50% kế hoạch năm: Liên hoan “Ca nhạc, ca cổ, tiểu phẩm Xuân” thành phố Cần Thơ lần thứ XIV năm 2024, kết quả trao 50 giải. Cấp khu vực toàn quốc tham gia 02 cuộc, đạt 50% kế hoạch năm: Hội thi Tuyên truyền lưu động kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 đến 07/5/2024), đạt 01 HCV và 02 HCV; Liên hoan Cán bộ thư viện toàn quốc tuyên truyền phát triển văn hóa đọc và giới thiệu sách - Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) đạt giải Nhất toàn đoàn. Nhà hát Tây Đô đã tổ chức biểu diễn 36 suất, đạt 72% kế hoạch năm và phục vụ khoảng 16.030 lượt người xem, đạt 64,12% kế hoạch năm.
Thể thao thành tích cao, số môn thể thao cấp quốc gia 20 môn, đạt 100% kế hoạch năm; số VĐV đạt đẳng cấp quốc gia 121 VĐV, đạt 96% kế hoạch năm. Cử 11 trưởng đoàn, 85 HLV, 445 VĐV có 198 nữ tham dự 39 giải thể thao, đạt 193 huy chương các loại: 50 Huy chương vàng (HCV) - 54 Huy chương bạc (HCB) - 89 Huy chương đồng (HCĐ), đạt 35% kế hoạch năm.
6. Tai nạn giao thông và phòng chống cháy nổ, thiệt hại do thiên tai, bảo vệ môi trường.
Tai nạn giao thông và phòng chống cháy, nổ: Lũy kế 6 tháng/2024, số vụ tai nạn giao thông 151 vụ, tăng 21,77% so với cùng kỳ; làm 72 người chết, giảm 7,69% và 118 người bị thương, tăng 71,01%; và xảy ra 12 vụ cháy nổ, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ; làm 1 người chết và 3 người bị thương; tổng giá trị tài sản thiệt hại ước tính 16,50 tỷ đồng.
Thiệt hại do thiên tai: Tính từ đầu năm đến nay, xảy ra 01 vụ mưa lớn, 04 vụ lốc, 01 vụ mưa đá và 16 vụ sạt lở bờ sông; ước thiệt hại khoảng 15,59 tỷ đồng.
Bảo vệ môi trường: Số vụ vi phạm đã phát hiện 08 vụ, tăng 07 vụ so với cùng kỳ; 09 vụ đã xử lý, tăng 04 vụ so với cùng kỳ.
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
Một là, tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tích cực đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm cấp bách, xử lý ngay những điểm nghẽn, nút thắt chính trong hoạt động đầu tư công như công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng.
Hai là, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính nhằm đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là các dự án có nguồn vốn lớn, các dự án liên quan đến lĩnh vực sản xuất công nghiệp, hạ tầng thông tin, kỹ thuật số, dự án FDI, nhằm tạo bước đột phá, tạo sự thay đổi rõ rệt mang tính đột biến cho phát triển kinh tế.
Ba là, triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại và dịch vụ, phát triển du lịch “miệt vườn”; đẩy mạnh xuất khẩu tại các thị trường truyền thống với sản phẩm đa dạng và tìm kiếm mở rộng các thị trường mới.
Bốn là, tiếp tục theo dõi, dự báo nguồn cung - cầu hàng hóa; đặc biệt theo dõi diễn biến giá cả hàng hóa, giữ vững ổn định kinh tế, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ tốt các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn.
Năm là, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thuế, tích cực khai thác nguồn thu, đôn đốc thu nộp kịp thời đối với các khoản phải nộp. Tiết kiệm chi, cắt giảm chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi chưa thật sự cấp bách. Rà soát lại nguồn thu của từng khoản thu, sắc thuế trong từng giai đoạn phục hồi và phát triển và các chính sách miễn, giảm, gia hạn của Trung ương đang còn được áp dụng; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng và lĩnh vực sản xuất và các lĩnh vực ưu tiên./.
CỤC THỐNG KÊ TP CẦN THƠ
File đính kèm